Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Dây luật thảo lợi niệu

Dây luật thảo còn gọi là cây sàn sạt, thuộc họ gai mèo. Là một loại dây leo, thân có rãnh dọc, các nhánh và cuống lá đều có lông. Lá mỏng, mọc đối, lá phía trên so le, mép có răng cưa, 2 mặt có lông, mặt dưới có những điểm tuyến màu vàng, cuống lá dài. Hoa đơn tính, hoa đực nhỏ, màu lục vàng nhạt, mọc ở kẽ lá, thành chùy hình tháp, có lông rải rác ở phần lưng. Hoa cái thành hình xim gần hình cầu, không cuống nở vào tháng 7 - 8. Quả bế, màu vàng nhạt. Cây mọc hoang khắp nơi, nhưng thường thấy ở các lùm bụi, trên các bãi hoang, bờ rào trong các làng xóm... Người ta thường thu hái vào mùa hè thu, hái cả cây, phần trên mặt đất, cắt ngắn, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần để làm thuốc.

Dây luật thảo.

Một số bài thuốc thường dùng:

Bài 1: Hỗ trợ điều trị lao phổi giai đoạn đầu mới mắc: Dây luật thảo 80g, sao vàng, hạ thổ; đổ 700ml nước, sắc lấy 250ml, chia ra 3 lần uống sau khi ăn cơm; 10 ngày một liệu trình.

Có thể thay thế bài thuốc sau: Dây luật thảo tươi 60g (rửa sạch, cắt ngắn), rượu trắng 60ml, đường đỏ 90g; cho 3 thứ vào nồi, đổ thêm 700ml nước, sắc lấy 250ml, chia ra 3 lần uống sau khi ăn cơm; 10 ngày một liệu trình.

Bài 2: Hỗ trợ mụn nhọt, chốc lở, thủy đậu ở trẻ em: Hàng ngày lấy dây luật thảo cắt khúc, rửa sạch cho vào nồi nấu nước tắm ngày 1-2 lần.

Bài 3: Chữa rối loạn tiêu hóa: Dây luật thảo 24g, sắc lấy nước uống thay trà trong ngày dùng liên tục 5 ngày nếu đỡ thì dừng thuốc.

Bài 4: Giảm đau nhức khi bị phong thấp khớp: Giã dây luật thảo trộn với mật đắp vào chỗ đau rất hiệu nghiệm.

Lưu ý: Để tránh nhầm lẫn, tại một số vùng cao thường nhầm dây luật thảo và dây giảo cổ hay còn gọi là trường sinh thảo hoặc thất diệp đảm, ngũ diệp sâm với tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae) cũng là một loại dây leo nhờ tua cuốn đơn ở nách lá. Cây đực và cây cái riêng biệt. Lá kép hình chân vịt. Cụm hoa hình chuỳ mang nhiều hoa nhỏ màu trắng, các cánh hoa rời nhau xoè hình sao, bao phấn dính thành đĩa, bầu có 3 vòi nhuỵ. Quả khô hình cầu, đường kính 5-9 mm, khi chín màu đen... nhưng công dụng và cách sơ chế khác nhau hoàn toàn.

Lương y Hữu Đức

0 nhận xét:

Đăng nhận xét